399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Việc tranh giành chiếc xe đẩy hàng trong siêu thị những ngày cận tết không có gì xa lạ mỗi khi tết đến. Khu vực hàng hoá những ngày cận tết với số lượng người mua tăng đột biến và đương nhiện số lượng hàng hoá trên những chiếc xe đẩy hàng của khách hàng cũng được chất đầy.
Siêu thị nhộn nhịp
Dịp Tết năm nay, tập quán mua hàng của người dân Hà Nội đã thay đổi khá nhiều, chuyển dịch từ khu vực mua hàng truyền thống là các chợ sang các kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh có uy tín... nhiều hơn. Nhiều khách hàng từ viên chức ít thời gian đến bà nội trọ đều cho biết: Mua sắm trong siêu thị có cảm giác yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Siêu thị cũng thắng thế hệ thống phân phối truyền thống ở phương diện mua sắm tập trung, tiết kiệm thời gian và công sức, nhất là đối với những người đi sắm Tết muộn như năm nay. Thế nên, nếu như thời điểm này, trong khi tại các chợ “cóc”, chợ tạm, người mua thưa thớt, thì tại nhiều siêu thị lớn khách mua hàng như trảy hội. Tuy nhiên, do sức mua tăng cao đột ngột trong thời gian ngắn khiến các siêu thị trở nên quá tải.
Tại siêu thị Metro Thăng Long trong hai ngày cuối tuần 17 và 18-1 vừa qua, người ta cảm nhận rõ nét không khí mua sắm của người dân Hà Nội. Từ đầu giờ bán hàng buổi sáng, ở khu vực lấy xe đẩy hàng đã có hàng trăm người đứng đợi, chen lấn, tranh giành xe. Lực lượng bảo vệ của siêu thị phải ngăn ở cửa, chỉ cho từng tốp nhỏ vào lấy một, nhưng cảnh lộn xộn vẫn không chấm dứt. Bên trong siêu thị, phải khéo léo lắm mọi người mới có thể đẩy xe hàng qua các lối đi giữa các kệ hàng. Hàng thực phẩm công nghệ, đông lạnh và tươi sống là thế mạnh của Metro vì hàng nhiều, giá cả phải chăng nên mức tiêu thụ mạnh nhất. Mặc dù nhân viên siêu thị liên tục xếp hàng nhưng lại vơi đi nhanh chóng vì khách hàng nào cũng mua với số lượng lớn.
Đại diện Trung tâm thương mại Big C Thăng Long (222 đường Trần Duy Hưng) cho biết: Ngày cuối tuần vừa qua, số lượng khách hàng đến mua sắm Big C đã đạt mức kỷ lục với khoảng 50 nghìn người. Doanh số bán hàng tăng gấp đôi so với ngày thường và tăng 30% so với Tết năm ngoái. Siêu thị mặc dù mới mở rộng thêm 2.500m2 diện tích bán hàng, đặt thêm 22 máy tính tiền, kéo dài thời gian bán hàng từ 8 giờ sáng đến 22 giờ 30 phút hằng ngày, làm thêm 2000m2 bãi gửi xe máy nhưng vẫn hoạt động hết công suất.
Không quá đông như Metro, Big C nhưng các siêu thị nhỏ ở trong nội thành cũng tấp nập không kém. Sở hữu một chuỗi 20 siêu thị và 23 cửa hàng tiện ích mang thương hiệu Hapromart, Haprofood và hàng trăm điểm bán hàng đến tận các khu tập thể, khu vực đông dân cư, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã chuẩn bị trước 570 tỷ tiền hàng, tập trung vào các nhóm thiết yếu tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Sức tiêu thụ hàng Tết của đơn vị tăng nhanh trong những ngày gần đây. Công ty Thực phẩm Hà Nội có doanh số 3,5 tỷ đồng/ngày, tăng gấp gần bốn lần so với trước đó; Công ty Siêu thị Hà Nội tăng gấp 2,5 lần, khoảng 1,2 tỷ đồng/ngày. Công ty thương mại đầu tư Long Biên, doanh số khoảng 1 tỷ đồng/ngày trong khi bình thường khoảng 300 triệu đồng. Tương tự, Công ty Bách hóa Hà Nội cũng tăng ba lần doanh số từ 700 triệu đồng/ngày lên 2 tỷ đồng/ngày. Các siêu thị Fivimart của Công ty cổ phần Nhất Nam đạt doanh số tăng gấp năm lần so với ngày thường.
Giá cả ổn định, hàng nội bán chạy
Tuy sức mua tăng mạnh, nhưng điều đáng mừng là giá cả các mặt hàng phục vụ Tết trên thị trường Hà Nội khá ổn định. Từ trước Tết hai tháng, Sở Thương mại Hà Nội đã yêu cầu các Tổng Công ty thương mại, trung tâm siêu thị lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội phải đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng, tránh tình trạng cháy hàng, đầu cơ, nâng giá. UBND thành phố cho bảy doanh nghiệp cung ứng và phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn thành phố vay 160 tỷ đồng (gấp ba lần so với năm trước) không tính lãi trong vòng năm tháng để dự trữ hàng, bình ổn giá. Trong đó, riêng Tổng Công ty Thương mại Hà Nội- đơn vị chủ lực của thương mại trên địa bàn được vay 100 tỷ đồng. Nhờ vậy, hàng hóa của Hapro trong dịp Tết này dồi dào hơn hẳn, giá bán cạnh tranh vì thấp hơn 1% so với giá thị trường.
Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết: Năm nay, Hội phát động các siêu thị nỗ lực hết mình để xóa dần suy nghĩ “Cứ đến Tết là tăng giá”. Thực hiện chủ trương này, phần lớn các nhà phân phối lớn đàm phán với nhà cung cấp để giữ giá bán ổn định, theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Tại một số siêu thị, đã có những mặt hàng phục vụ Tết không tăng giá, thậm chí nhiều mặt hàng như đường, nem, giò, bánh kẹo, trà... giảm giá 5-10%. Big C cũng tổ chức giảm giá đến 50% cho gần 600 sản phẩm, triển khai dịch vụ giao hàng miễn phí tại nhà, trả tiền xe buýt cho khách hàng... Với nỗ lực của các siêu thị đã làm giảm áp lực tăng giá trên thị trường tự do. Cho đến thời điểm này, giá cả các mặt hàng tại các chợ truyền thống vẫn giữ ổn định, nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, các loại thủy hải sản. Các loại rau, củ, quả nhiều, giá rẻ vì đang vào mùa thu hoạch.
Tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập phần lớn người lao động giảm sút, hơn nữa, “cơn bão” melamine vừa qua làm cho người tiêu dùng “nghiêng hẳn” sự lựa chọn các hàng hóa sản xuất trong nước. Tại các siêu thị lớn nhỏ ở Hà Nội, hàng sản xuất trong nước chiếm từ 70% đến 90% tổng số lượng hàng hóa. Các sản phẩm bánh, mứt, kẹo, cà phê, bia và nước ngọt... chủ yếu của các hãng có thương hiệu như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị, Hanco, Vinabico, Tân Tân, Orion, Trung Nguyên bán rất chạy. Ngoài ra, các loại hoa quả, bánh kẹo đặc sản như bưởi Phúc Trạch, bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn, bánh pía Sóc Trăng, kẹo Sìu Châu Nam Định ... luôn được người tiêu dùng lựa chọn để làm quà biếu tặng. Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu, nằm ở vị trí khiêm tốn và số lượng cũng ít hơn, chủ yếu là các loại củ, quả có hương vị đặc biệt như táo, nho, lê Mỹ, me, cam Thái Lan...
Tết Kỷ Sửu cũng là Tết đầu tiên sau khi Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Quan tâm đến công nhân trong các khu công nghiệp, người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa của Thủ đô, để mọi nhà đều có Tết là chủ trương lớn của thành phố Hà Nội được các doanh nghiệp tích cực tham gia. Sở Công thương Hà Nội phối hợp Tổng Công ty Thương mại Hà Nội và các đơn vị thương mại lớn trên địa bàn tổ chức đưa nhiều xe hàng Tết đến 11 xã nghèo thuộc bốn huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ tổ chức bán hàng trong vòng một tuần. Hàng hóa mang đến các địa phương là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ đời sống bà con nông dân như gạo, muối, nước mắm, mỳ chính, dầu ăn, rượu vang, mứt Tết... với giá hợp lý, không tính chi phí vận chuyển, tạo không khí hồ hởi, phấn khởi trong nhân dân các địa phương. Từ ngày 22 tháng Chạp âm lịch, các đơn vị tổ chức bán hàng Tết tại khu công nghiệp bắc Thăng Long và khu công nghiệp Quang Minh, phục vụ người lao động tại hai KCN lớn này.
Tiếp tục kiểm soát thị trường
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù các siêu thị, trung tâm thương mại là đầu mối phân phối hàng hóa lớn trên thị trường, nhưng mới cung ứng 10% nhu cầu hàng hóa của người dân trên địa bàn thành phố. 90% lượng hàng hóa, nhất là các mặt hàng như thực phẩm tươi sống, rau tươi do các chợ truyền thống cung ứng, mà đây lại là thị trường tự do nên rất khó kiểm soát. Thực tế công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong những ngày vừa qua tại các chợ đầu mối Long Biên, chợ bán lẻ và các cửa hàng lớn trong nội thành vẫn phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm như hàng hóa nhập khẩu không có mác phụ, gia cầm không qua kiểm dịch bày bán công khai, hoa quả nhập khẩu không có nguồn gốc xuất xứ...
Chính vì vậy, thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác bình ổn giá và đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các ngành tài chính, thương mại cũng cần theo dõi sát diễn biến cung-cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trước và sau Tết, bảo đảm sản xuất, lưu thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân thường tăng đột biến trong dịp trước Tết, đồng thời chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào thời gian sau Tết. Vì thời điểm này thường hay xảy ra khan hàng dẫn đến sốt giá.